Mặc dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chỉ đạo các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất khoản vay cũ xuống dưới 15%/năm từ ngày 15-7, tuy nhiên bên cạnh những ngân hàng thương mại quốc doanh đã thực hiện thì vẫn còn ngân hàng thương mại cổ phần chưa thực hiện một cách đầy đủ chính sách này. >> Mờ dần Habubank nợ xấu - Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Habubank |
Lãi suất chưa được điều chỉnh giảm, hàng hóa tồn kho khiến Công ty cổ phần Clever gặp không ít khó khăn. |
Doanh nghiệp sợ “độ trễ” Ông Nguyễn Văn Dinh, Giám đốc Công ty cổ phần Clever chuyên sản xuất gạch không nung trên địa bàn huyện Lạng Giang than phiền: “Đã hơn nửa tháng khi mà ý kiến chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực về việc điều chỉnh lãi suất món vay cũ về dưới 15%/năm nhưng phía ngân hàng vẫn chưa giảm đối với các khoản vay của chúng tôi. Do vậy doanh nghiệp đã khó khăn nay còn khó khăn hơn”. Được biết, doanh nghiệp của ông Dinh hiện đang dư nợ Ngân hàng VP Bank gần 6 tỷ đồng. Trước đây doanh nghiệp phải vay với mức lãi suất 19%/năm. Nếu được điều chỉnh sớm doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí đáng kể. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít doanh nghiệp vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này. Giám đốc một doanh nghiệp chuyên sản xuất cơ khí tại Lạng Giang bộc bạch: Có nhiều lý do để doanh nghiệp chưa dám lên tiếng về việc chậm điều chỉnh mức lãi suất về dưới 15%/năm.. Có thể doanh nghiệp vẫn đang còn nợ xấu tại ngân hàng hoặc doanh nghiệp muốn duy trì “mối quan hệ” với ngân hàng trong những lần giao dịch tín dụng tiếp theo nên đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Trao đổi với chúng tôi về việc chậm điều chỉnh lãi suất các khoản vay cũ, ông Hoàng Xuân Thái, Giám đốc VP Bank chi nhánh Bắc Giang cho biết, đơn vị đang phân hạn mức để điều chỉnh. Hiện nay, hơn 60% khách hàng có khoản vay cũ đã được điều chỉnh giảm lãi suất xuống 15%/năm với số dư nợ gần 100 tỷ đồng. Các khách hàng còn lại nằm trong diện điều chỉnh đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện và hoàn thành vào tháng 9 tới. Tại hội nghị gần đây nhất giữa lãnh đạo tỉnh, ngành chức năng và các doanh nghiệp, bà Tô Thị Hậu, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã thừa nhận “độ trễ” trong quá trình thực hiện chỉ đạo của Thống đốc. Cũng chính vì “độ trễ” này mà nhiều doanh nghiệp tỏ ra bất bình khi có ngân hàng đã điều chỉnh, có ngân hàng lại chưa hoặc không điều chỉnh lãi suất. Tại hội nghị này, bà Hậu có ý kiến sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát trên cơ sở đó có biện pháp xử lý đối với các ngân hàng thương mại không thực hiện điều chỉnh lãi suất giảm đối với các khoản vay cũ từ 15/7. Dù vậy nhưng đến thời điểm này không ít doanh nghiệp vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này và Công ty cổ phần Clever đã đề cập ở trên là một ví dụ. Không phải tất cả các doanh nghiệp đều được ngân hàng giảm lãi suất các khoản vay cũ về 15%, nhưng những đơn vị được điều chỉnh lại lo lắng làm sao hấp thụ tốt vốn ngân hàng để vượt qua thời kỳ khốn khó này. Ông Hà Ngọc Hoa, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bắc Giang cho biết: Trong điều kiện sản xuất khó khăn như hiện nay, việc điều chỉnh lãi suất các khoản vay cũ xuống 15%/năm đã tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí đầu vào. Tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, doanh nghiệp đang còn dư nợ tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư- Phát triển (BIDV) chi nhánh Bắc Giang hơn 73 tỷ đồng, trong đó hơn 40 tỷ đồng vay với lãi suất từ 17 đến 19%/năm đã được điều chỉnh xuống 15% theo quy định. “Lãi suất các khoản vay cũ đã được điều chỉnh giảm nhưng doanh nghiệp vẫn còn không ít những khó khăn”- Ông Hoa cho hay. Cũng theo ông Hoa thì hiện nay ngoài số dư nợ đã được điều chỉnh xuống 15%/năm thì số còn lại đơn vị được vay mới với lãi suất ưu đãi 12%/năm. Như vậy, các khoản vay mới lãi suất đã giảm hơn 3%/năm so với khoản vay đã được điều chỉnh song doanh nghiệp vẫn phải tính toán phương án kinh doanh sao cho phù hợp để hấp thụ và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của ngân hàng. Là một trong những khách hàng thường xuyên có giao dịch lớn tại BIDV chi nhánh Bắc Giang, được điều chỉnh lãi suất các khoản vay cũ xuống 15% bước đầu đã tháo gỡ khó khăn cho Công ty SNC (Khu Công nghiệp Đình Trám). Ông Nguyễn Trọng Trường, Phó Tổng Giám đốc Công ty cho biết: khoản vay 47 tỷ đồng, lãi suất từ 16- 18% mà đơn vị vay trước đó nay đã được ngân hàng điều chỉnh xuống 15%. Với mức lãi suất giảm 2-3%/năm, doanh nghiệp không chỉ tiết giảm được một khoản chi phí đáng kể (ước chừng gần 1 tỷ đồng/năm) mà quan trọng hơn là tạo được tâm lý phấn chấn cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, cũng theo ông Trường hiện nay nhiều món vay mới của doanh nghiệp chỉ chịu lãi suất 12%/năm nên doanh nghiệp mong muốn phía ngân hàng tiếp tục có chính sách điều chỉnh giảm lãi suất cho vay tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất. Ngân hàng sẻ chia cùng doanh nghiệp Thời gian gần đây hàng loạt những thông điệp về hạ lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước đã được phát ra, song không ít doanh nghiệp vẫn kêu ngân hàng chưa thông cảm với các khó khăn của họ. Tại cuộc gặp mặt gần đây nhất giữa lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, ngành chức năng với các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp cho rằng chính sách, chủ trương đã có đề nghị các ngân hàng thực hiện theo chỉ đạo. Nhiều ý kiến đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng, đẩy nhanh việc giảm lãi suất cho vay phù hợp với mức giảm chỉ số giá tiêu dùng. Cụ thể, ưu tiên tín dụng đối với doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Có doanh nhân cho rằng, để mở rộng sản xuất và thay thế thiết bị cũ, các doanh nghiệp phải sử dụng một phần vốn vay ngân hàng. Nhưng đến nay, các ngân hàng mới chỉ điều chỉnh giảm lãi suất vay ngắn hạn, riêng lãi suất vay trung hạn vẫn ở mức cao. Do đó, Ngân hàng Nhà nước nên sớm xem xét giảm lãi suất vay trung hạn, có thể xuống dưới 12%/năm. Doanh nghiệp mong muốn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng. Xung quanh vấn đề lãi suất, con đường "giải cứu" doanh nghiệp tiếp tục được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thông báo tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa được tổ chức. Ðó là, nếu CPI năm nay giảm xuống dưới 7%, lãi suất huy động có điều kiện để tiếp tục giảm xuống dưới 8%. Theo đó, vào năm tới một số khoản cho vay ưu đãi có thể giảm xuống dưới 10%. Ngân hàng Nhà nước cam kết tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ như duy trì ổn định cho vay tái cấp vốn lãi suất 10% cho các ngân hàng thương mại trong thời gian một năm; cấp đủ vốn cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và nông thôn; tăng cường giải quyết nợ đọng; kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc của doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất phù hợp... Các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh chính sách hạ lãi suất cho vay, thì điều quan trọng để "giải cứu" doanh nghiệp lúc này là những biện pháp kích cầu hỗ trợ doanh nghiệp giải phóng lượng hàng tồn kho. Bởi thực chất, đây là một trong những gánh nặng gây nợ xấu. Ngọc Hân |