Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

Ngân hàng: Có lãi nhưng không có tiền

Nhiều ngân hàng báo lãi, nhưng lãi đó có phải là tiền hay không thì phải xem lại.
>> Mờ dần Habubank nợ xấu - Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông Habubank

http://www.habubank.com.vn/quan-he-nha-dau-tu/cac-thong-bao/201205/Nghi-quyet-dai-hoi-dong-co-dong-Habubank-1242100/
ảnh minh họa
Nợ xấu tăng cao, báo cáo tài chính quý II của các ngân hàng cũng không mấy đẹp. Lợi nhuận sau thuế của 8 ngân hàng niêm yết giảm tới 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, bức tranh lợi nhuận này đã phân chia thành 2 nhóm có tốc độ tăng lợi nhuận. Một nhóm là các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, ACB... có lợi nhuận quý II và lũy kế 2 quý giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Và VietinBank giảm mạnh nhất: 69% so với quý I và 28,3% so với 6 tháng năm ngoái.
Ngược lại, nhóm ngân hàng tốp sau như SHB, Ngân hàng Quân đội, Sacombank hay Eximbank có lợi nhuận lũy kế 6 tháng tăng.
Dù lãi nhiều hay ít thì việc các ngân hàng vẫn kinh doanh có lãi trong lúc doanh nghiệp liên tục báo lỗ đã khiến dư luận có phần bức xúc, trách các ông chủ ngân hàng “ngồi mát ăn bát vàng”. Tuy nhiên, liệu ngân hàng có lãi thật hay không thì phải xem xét lại.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chính sách Công, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, trong bài viết mới đây trên NCĐT đã phân tích, các ngân hàng có thể liên tục có doanh thu, liên tục tăng tổng tài sản, nhưng doanh thu và tài sản đó có phải là tiền không lại là chuyện khác. Trong khi đó, nợ xấu có thể được xử lý bằng cách đưa vào mục các tài sản khác trên bảng cân đối kế toán và thực chất sẽ chẳng có đồng tiền nào chạy về. Số liệu do ông tổng hợp từ 37 ngân hàng thương mại cho thấy giá trị các khoản phải thu liên quan tới cho vay và đầu tư tài chính là 148.000 tỉ đồng vào cuối năm 2011.
Báo cáo hợp nhất trong quý I và báo cáo riêng lẻ quý II cho thấy hầu hết các ngân hàng niêm yết đều có lưu chuyển tiền thuần âm, nghĩa là lượng tiền mặt ra nhiều hơn vào.
Dòng tiền thuần âm này gồm 3 loại: dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Hoạt động đầu tư và tài chính có thể dẫn đến dòng tiền âm là điều bình thường, nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm lại là điểm đáng chú ý. Đây cũng chính là bí ẩn dòng thứ 20 mà NCĐT từng đề cập đến.
Hầu hết các ngân hàng đều có tiền chảy ra nhiều hơn là vào trong quý I. Còn trong quý II, một số đã có cải thiện đáng kể, một số thì không. Và tính lũy kế thì nửa đầu năm 2012 dòng tiền này vẫn âm. Tại sao lượng tiền mặt ra vào ngân hàng lại giảm?
Hãy bắt đầu từ trường hợp lợi nhuận giảm mạnh nhất là VietinBank. Trong quý I các khoản nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giảm đi, đồng thời tiền gửi của các tổ chức tín dụng và khách hàng đều ít đi. Sang đến quý II, lợi nhuận vẫn giảm nhưng thấp hơn.
Đây cũng là những nguyên nhân chính làm giảm lượng tiền vào ở nhiều ngân hàng niêm yết. Ngoài ra, sức hút của thị trường chứng khoán cũng khiến một số ngân hàng sẵn sàng bỏ tiền ra chơi với loại tài sản này. Vietcombank tăng gần 3 lần lượng tiền bỏ ra đầu tư kinh doanh chứng khoán. Tương tự, lượng tiền này của Navibank chiếm đến 50% dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh.
Vậy dòng tiền âm có nguy hiểm cho ngân hàng? Ngân hàng cũng chỉ là một doanh nghiệp và dòng tiền là một chỉ báo hết sức quan trọng. Minh họa gần đây nhất chính là Habubank. Ngân hàng này liên tục có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm trong giai đoạn 2008-2011. Kết quả là ngân hàng này phải chịu sáp nhập, nương nhờ vào SHB.
Câu chuyện có lãi nhưng không có tiền vốn phổ biến ở các doanh nghiệp trong những năm qua giờ đây đã xuất hiện nhiều hơn ở khu vực ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng là một doanh nghiệp đặc biệt. Và liệu điều gì sẽ xảy ra khi những tổ chức có chức năng luân chuyển tiền ra nền kinh tế lại ở trong tình trạng thiếu tiền?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét