'Ngân hàng sẵn sàng cho doanh nghiệp vay lãi suất 10,5 - 11%'
Không chỉ cam kết giảm lãi suất vay cũ về dưới 15% đúng như chỉ đạo của Thống đốc từ 15/7, nhiều ngân hàng phía Nam cho biết sẵn sàng áp mức 10,5-11% cho các khoản mới.
>>Thông tin ngân hàng habubank nợ nần là sai lệch
Tại hội nghị toàn ngành ngân hàng sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ nửa cuối năm 2012 diễn ra ngày 7/7, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chỉ đạo toàn bộ các ngân hàng phải rà soát những khoản vay cũ và đưa lãi suất ở tất cả các hợp đồng đã ký về dưới 15% một năm. Ngay lập tức, nhiều ngân hàng thể hiện sự đồng tình với chủ trương này.
Lãnh đạo các nhà băng lớn đều hứa thực hiện đúng chỉ đạo của Thống đốc Nguyễn Văn Bình để giảm lãi suất cho vay về dưới 15% một năm từ 15/7. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Phước Thanh cho rằng việc các ngân hàng xem xét giảm lãi suất là nên làm, để tự cứu chính mình chứ không phải vì sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Ông Thanh tự tin cho biết hoàn toàn đáp ứng được chỉ đạo này bởi Vietcombank chỉ có 25% lượng vốn cho vay lãi suất trên 15% một năm. Thậm chí, ông Thanh cam kết cho vay với doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực không khuyến khích cũng sẽ không quá 15% một năm.
Chủ tịch HĐQT Vietinbank Phạm Huy Hùng cũng đồng tình cho rằng cái khó hiện nay không phải ở lãi suất mà là việc doanh nghiệp có hoạt động có hiệu quả hay không. Đại diện Vietinbank còn mạnh dạn tuyên bố ngay tại hội nghị, ngân hàng sẵn sàng cho doanh nghiệp vay với lãi suất 12%, thậm chí 11% một năm. Ông Hùng thừa nhận dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng hiện ngân hàng vẫn còn lác đác vài khoản tín dụng trung hạn với lãi suất 16% một năm. Ông cam kết sẽ rà soát để đưa về dưới 15% như chỉ đạo của Thống đốc.
Câu chuyện giảm lãi suất cũng được đặt ra trong buổi làm việc của Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP HCM Nguyễn Thị Hồng với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố và các ngân hàng trên địa bàn. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, lãi suất không phải là khó khăn lớn hiện nay vì nhiều ngân hàng sẵn sàng cho khách hàng, doanh nghiệp vay với lãi suất thấp, thậm chí 10,5 - 11%.
Theo ông, vấn đề là giải quyết khó khăn trong khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp. Do đó, phải thực hiện gói đầu tư công để kích thích sản xuất và tiêu dùng trong những tháng cuối năm. Trong 6 tháng đầu năm, khoảng 4.000 doanh nghiệp được vay hơn 20.000 tỷ đồng trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, đại diện Ngân hàng Nhà nước đánh giá, quá trình điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thuộc 4 nhóm lĩnh vực này còn chậm, một số ngân hàng chưa giảm lãi suất nhiều và nợ xấu gia tăng. Do đó, tăng trưởng tín dụng chậm. "Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù vốn huy động trên địa bàn thành phố đạt hơn 941.000 tỷ đồng nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng âm (tổng dư nợ tín dụng đạt gần 764.000 tỷ đồng)", ông Thắng cho biết.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố phản ánh, nhiều doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ điều kiện vay vốn rất ít, còn lại là không đủ tài sản để đảm bảo khoản vay. Ngân hàng Nhà nước cho rằng cần tiếp tục giảm và giữ lãi suất ổn định trong 6 tháng cuối năm duy trì ở mức 12-13%/năm. Tiếp đó, tập trung xử lý nợ xấu và giải phóng hàng tồn kho, đặc biệt hàng tồn kho ở các lĩnh vực như xi măng, sắt thép...
Lãnh đạo nhiều nhà băng lớn đã “phản pháo” những thông tin cho rằng ngân hàng không chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, dẫn đến dòng tín dụng chưa được khơi thông. Không đồng tình với ý kiến cho rằng ngân hàng đang “hút máu” doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank Lê Hùng Dũng lập luận, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, thậm chí còn mang những đặc thù hơn những doanh nghiệp đang kêu cứu. Nếu cho vay một cách dễ dàng sẽ gây tổn hại đến cả hệ thống và nền kinh tế.
“Chúng tôi đồng ý các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ nhưng không phải bất cứ doanh nghiệp nào cũng được hỗ trợ. Ngân hàng phải cho vay chọn mặt gửi vàng, không thể đem tiền cho những đơn vị không đủ điều kiện, sắp phá sản vay được”, ông Dũng khẳng định tại Hội nghị sơ kết ngành ở Hà Nội.
Lãnh đạo Eximbank cũng thông tin, ngân hàng này đã miễn giảm hơn 100 tỷ đồng nợ xấu cho doanh nghiệp. Theo ông Dũng, chỉ cần 10 ngân hàng lớn trong hệ thống làm như Eximbank thì có thể xóa được 1.000 tỷ nợ cho các doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch HĐQT SeaBank – cho biết cũng sẽ cố gắng đưa lãi suất các khoản vay cũ về dưới 15% dù là một ngân hàng cổ phần và quy mô không lớn. Tuy nhiên, bà Nga đưa ra một dẫn chứng cho thấy dù lãi suất có hạ một nửa nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lắc đầu.
Bà kể: “Có khách hàng trước được cho vay bất động sản lãi suất 24% nay được ngân hàng giảm xuống 20% nhưng họ vẫn kêu không trả được. Sau đó khách hàng “mặc cả” nếu lãi suất còn 12% thì sẽ trả lãi. Tuy nhiên, đến khi SeaBank đồng ý mức này thì họ lại nói để suy nghĩ thêm”. Dù được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở nhóm một (17%) nhưng bà Nga thừa nhận trong bối cảnh này, chỉ cố gắng phấn đấu 10%.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng đây là thời điểm các nhà băng nên thể hiện quyết tâm giúp đỡ doanh nghiệp để tránh bị mang tiếng lợi nhuận ngân hàng “dày” mà không chia sẻ với doanh nghiệp. “Một mặt chúng ta phải giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp đang vấp phải nhưng một mặt cũng phải vì màu cờ sắc áo, phải bảo vệ quyết tâm và uy tín cho hệ thống ngân hàng”, ông Bình nói.
Tính đến 30/6, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt 0,76%, sau nhiều tháng âm liên tiếp. Còn nếu tính cả số dư đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác, thì tốc độ tăng trưởng cũng chỉ là 1,4%. Tham dự hội nghị sơ kết ngành ngân hàng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng với tốc độ tăng thấp này, dư địa để tăng trưởng từ nay đến cuối năm vẫn còn rất nhiều. Phó Thủ tướng vẫn tin tưởng từ nay đến cuối năm tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống có thể đạt được 14%.
Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, để giải quyết khó khăn cho sản xuất kinh doanh cần kết nối thông tin giữa ngân hàng và doanh nghiệp bằng cách ngân hàng không nên ngồi chờ doanh nghiệp tìm đến mà nên tiếp cận trực tiếp với doanh nghiệp.
"Trong tháng 7 này, UBND thành phố sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức một hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn, vực dậy sản xuất", bà Hồng nói.
Từ nay đến ngày 15/7, các ngân hàng sẽ gửi thông tin giới thiệu về chính sách vay vốn cho Ngân hàng Nhà nước nhằm chuẩn bị cho hội nghị kết nối ngân hàng và doanh nghiệp.
Thanh Lan- Tá Lâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét